Tôi đọc bài này lâu lắm. Nhưng không nhớ thời gian cụ thể. Rồi thích thơ chị. Vào đọc chị và trở thành bạn “Phây” của chị. Bài thơ viết về Halloween thật tuyệt vời! Rất phong cách Halloween:

KA LI

sau mùa trăng huyết

rờn rợn

nữ thần sinh / diệt

bước ra

khuôn mặt đẹp huyền thoại

đêm halloween

không xiêm y

mặt nạ

ôm chai ballantine đứng giữa lễ hội

kali

dịu dàng

cuồng loạn

những gã say hương whisky và vũ điệu nhục thể

gục

gục

gục

tôi rung tim trước nét đẹp tàn khốc.

( Chim Hải- 31/10/2014)

Thơ của chị Chim Hải có nhiều bài hay. Nhưng tôi thích bài này nhất. Nó là một tác phẩm có tính nguyên hợp gắn Thơ ca với Lịch sử đời sống Văn hoá,Triết học, Thần Thoại Ấn Độ trong một kết cấu vừa tự sự, vừa trữ tình, mang đậm nét kịch.

Bài thơ ra đời 2014, cách đây 6 năm. Đó là năm có hai lần Nguyệt thực (Trăng máu). Lần thứ nhất là vào ngày 15/4/2014. Ngoài ra, thêm một cơ hội nữa dành cho những người quan sát bầu trời chứng kiến hiện tượng “mặt trăng đỏ” vào lúc 10:51 sáng Thứ 4, ngày 8/10 khi nguyệt thực toàn phần xuất hiện từ phía Thái Bình Dương. Chỉ một phần phía tây bắc của Bắc Mỹ, New Zealand và một phần tư phía đông nước Úc có thể ngắm toàn bộ hiện tượng…

Nhà Thơ đã ngắm Trăng chín đỏ lần thứ hai ( 8/10) nên mới viết về đêm Halloween trong bối cảnh ấy:

“ sau mùa trăng huyết

rờn rợn

nữ thần sinh / diệt

bước ra

khuôn mặt đẹp huyền thoại”

Bài Thơ có một lối dẫn dắt rất lôi cuốn – Kể chuyện đón Halloween năm 2014. Toàn là những từ ngữ và câu có tính chất gợi tả, khiến người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng để hình dung ra không khí đêm Halloween và nhân vật hoá trang nàng Ka li – nữ thần huỷ diệt – vợ của thần Shiva. Ka- li cũng là một hoá thân của Pavarti – nữ thần của năng lượng sống và sự sinh sôi – người vợ thứ hai của Shiva. Từ “ rờn rợn” đúng là đắc địa. Lại thêm sự kiện “ sau mùa trăng huyết” vẽ cảnh nguyệt thực bằng những từ “ đẫm máu”. Bài Thơ kể chuyện chỉ mới mào đầu đã thắt nút, tạo nền phông cảnh đầy ma mị. Nếu mà dựng cảnh này trên sân khấu thì sự phối hợp của ánh sáng, âm thanh ngay giây phút đầu buộc phải phá vỡ quy tắc của sân khấu cổ điển phương Tây, vốn chuộng cái đẹp nhẹ nhàng, trang nhã và thanh lịch…Mà đó chỉ mới là cảnh tiếp đón sự xuất hiện của Ka-li/ nữ thần huỷ diệt. Để rồi tạo một hiệu ứng rất tích cực. Không hề làm cho người đọc, người xem va vào nỗi sợ hãi vì Ka- li có khuôn mặt xinh đẹp đầy chất huyền thoại. Ánh sáng – năng lượng của huỷ diệt toả ra rất lấp lánh trong đêm vũ hội – khi giữa con người và ma quỷ không còn có ranh giới. Một góc nhìn quá đẹp về Ka-li. Chưa bao giờ sự huỷ diệt lại đáng yêu như vậy. Trong quan niệm của Triết học cổ đại Ấn Độ thì tự trong bản chất của huỷ diệt đã có nguồn gốc của sáng thế, tái sinh…

Ka-li được miêu tả trong Rig Veda và được tái hiện qua những công trình kiến trúc, Điêu khắc, Hội hoạ…là hình ảnh ghê rợn:

“ …Kali là một nữ thần đặc biệt ghê rợn. Với nước da màu đen, tượng trưng cho sự tan biến của mọi màu sắc. Mái tóc dựng đứng, con mắt thứ ba nằm giữa trán (như Shiva), miệng mở to, lưỡi đẫm máu thò dài ra ngoài, gợi cho chúng ta hình ảnh “ma lưỡi dài” ở Việt Nam… Thần Kali cũng có khả năng hủy diệt đối thủ của mình bằng tia nhìn nảy lửa từ con mắt thứ ba của Bà. Kali thường trần truồng, một khía cạnh của phá chấp, hay của “sống thật với bản thân” không che đậy giả dối. Ngài mang một sâu chuỗi gồm năm mươi sọ người, mỗi sọ ứng với một chữ trong vần Sanskrit, chứng tỏ sự thông thái, hay sự phù phiếm của “danh sắc”…”

Nhà thơ phải thẩm thấu được vẻ đẹp ghê rợn này thì mới trầm trồ Ka- li bằng những câu thơ mang ngữ điệu “ có cánh”. Nàng đã đốn tim bao người khi nàng xuất hiện? Có lẽ yêu Ka- li bằng thơ, người đầu tiên mê mẩn nàng là một người đàn bà- nhà thơ Chim Hải chứ ai!

Vì lẽ gì ?

Ka- li đẹp không man trá. Không che đậy. Nàng là một sự phá chấp vốn đã là bản thể của một nền Văn minh cổ xưa mang đầy âm lực, luôn đề cao Chân – Thiện – Mỹ đối lập hoàn toàn với thế giới “ kiềng chân” và “ che mạng” của các nữ thần Ấn Độ trong đời sống Ấn Độ phong kiến sau này…

Sức quyến rủ của Ka-li và tính năng huỷ diệt đã có sẵn trong nàng được nhà thơ khắc hoạ sinh động, tự nhiên:

“đêm halloween

không xiêm y

mặt nạ

ôm chai ballantine đứng giữa lễ hội

kali

dịu dàng

cuồng loạn

những gã say hương whisky và vũ điệu nhục thể”

Ái chà, không biết Ka- li xưa hay Ka-li nay?

Nữ thần Ấn Độ có phong cách rất Tây mèn ơi!

Ôm rượu Tây trong trạng thái hoàn toàn không che đậy và vừa dịu dàng, vừa cuồng loạn đến với Halloween.

Một lễ hội đẹp. Người quá đẹp và hồn nhiên. Thật ra thì trong một năm, con người ta được bao nhiêu lần sống hết mình như vậy – Không phải che đậy. Không cần hoá trang. Và “ em thế nào cứ thế mà đến” ( Tagore) ?

Halloween vũ hội – ma quỷ giao hoan với người – chính ra lại là giây phút thăng hoa nhất của cuộc sống tốt đẹp, thiện lành. À mà phải uống say thì các nàng Ka- li trong thực tại mới dám khoả thân để phô bày cái vẻ đẹp thật nhất từ bên trong, mà hằng ngày họ phải giấu, phải che bởi rất rất nhiều lớp áo khoác bên ngoài cho thích nghi với đời sống xã hội cần che giấu cái tôi riêng nếu muốn giữ cái tôi ấy không biến dạng hoặc phải “ tuỳ nghi “ Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” để cộng sinh với đủ loại có hiền có dữ, có ác có thiện…

Một đêm Halloween đáng để say. Say không khí chân tình.

Say những nàng Ka- li tuyệt đẹp

Và đã say thì phải gục.

Ai gục?

Tất cả gục thôi.

Ba lần :

gục

gục

gục

Ba câu ngắn.

Tuyệt vời!

Gói hết ý rồi. Chừng ấy đủ hiểu. Mức độ say quá te tua. Câu thơ giàu nhạc tính cuồng nhiệt và gợi hình cực tả. Mọi khát khao, mọi hạnh phúc và niềm vui sướng đã ngưng đọng ở cuối bài thơ. Nếu được phép tác giả thì tôi thích chị dừng bài thơ ở đây luôn. Vì câu cuối có lẽ không cần nói thì ai cũng hiểu. Bởi không chỉ có chị Chim Hải rung tim trước vẻ đẹp tàn khốc của Ka-li mà chắc ai đọc bài Thơ và nếu nắm tay chị đi vào vũ hội Halloween vừa hư vừa thực, thì cũng bị “ gục” vì say bí tỉ trước vẻ đẹp huỷ diệt của phụ nữ, nhất là khi họ đã sống đúng với cái bản ngã hồn nhiên nhất. Khi phụ nữ thật sự “ phá chấp” thì cả thế giới chỉ có :

“ gục

gục

gục….”