minh họa của Trần Quốc Toàn

tôi ngồi giữa sân vuông, nắng bọc thóc, buổi trưa bầu trời như ngang đầu một mái rơm, tôi lật cuốn sách Sự giễu nhãi của thời gian ra đọc, ồ! thế giới đã rã đông, tôi nghe trong sách hiện về một quảng xa xăm, lúc bờ bụi hãy còn nghe những giọt mưa rào, chiếc gàu bình qua người làng dùng tới lên những hàng cà dái dê, trái tím ra đầy khắp cành nhánh, buổi chiều ướp gia vị vào con cá tràu, rồi bỏ cà cùng cá vào độn rơm khô nhen lửa, giã chén nước mắm tỏi ớt vắt chanh vào, đến khi rơm tàn lửa. còn những mạch đỏ như rám chiều, lấy ra phủi lớp tro tàn, chiều phổ hồn người chìm vào khung cửa, mấy con chim bay đậu trên cành tre, nước mưa nghe như thời thơ ấu còn âu lâu tải từng lọn khói cơm chiều, không biết vì lẽ gì, sau bữa cơm quê, tôi lại ra ngoài thềm hè nhìn ngắm cảnh vật chung quanh, như mách bảo rằng, mọi thứ chung quanh sẽ là tiềm thức vô tận, là cái minh mông đang phủ lên đất cái mùi vị của đất trời màu hạ, từng nếp thời gian gấp lại vào đêm, ở xứ sở tôi cách xứ sở ông lão một quãng đường sông chảy, núi Tình Giang, là nơi đêm đến, những dấu chân con chồn đèn để lại phía bờ ao bùn ướt, chúng xuống núi để uống nước, và để rình gà trong xóm, mỗi khi nhớ như thế, là như trong tôi đang cất lên tiếng nói của bụi bờ, 

mỗi trang hiện thực là mỗi một hình ảnh sống lại từ trong cái chết, sống lại bằng hình ảnh và âm thanh của những chiếc lá non cây gạo nhà bé út, hay đó là thứ kết dính tôi với cái hơi người nơi cõi trần ai này nhỉ? làm sao biết được tương lai sẽ sảy ra chuyện gì nhỉ? chỉ biết là mọi vật cứ như nhiên vậy thôi,

tôi lấy cọ ra vẽ, vẽ, như một liệu pháp làm tôi thấy tôi trong vô vàng những màu sắc, thấy những con ốc sên bò chậm rãi trong làng, chúng đã hiện diện như một thứ ngôn ngữ siêu hình[ tôi cho đó là thứ ngôn ngữ siêu hình, có lẽ, từ nghìn xưa, con ốc sên đã bò từ thế kỉ này sang thế kỉ khác, hay từ dưới đại dương lên bờ, thứ tiến hóa chỉ trời mới biết, ôi! và đó là những giây phút tôi lắng lại trong khi đọc cuốn sách Sự giễu nhại của thời gian ]

– cháu đang làm gì đó

– cháu có thấy ta ở đây không

– nơi cháu đang nghĩ về cổng thành đã đổ nát

-ta buồn rầu lắm cháu à

qua những lần thăng trầm trong sự nghĩ ngợi tôi lại nghe trong gió như có lời của ông lão

– mọi chìm nổi đều làm ra thứ ngẫm ngợi đó cháu

– như ta buồn rầu, phẫn nộ với những điều thiêng liêng đã mất, với trăm triệu nỗi thống khổ điêu linh, nhưng cuối cùng vẫn là để làm cho thế giới rõ hơn, nhận thức của ta, của cháu, để còn thấy được điều tốt đẹp sau cùng

tôi lại bước vào thế giới của ông lão, thấy ông mở ra một tân tiểu thuyết, dòng chảy của nguồn cội, qua nghìn trùng thác ghềnh, rồi ra đại dương,

– công việc này âm thầm như núi lửa, hay âm ỉ như nguồn nước trên trời cao, cứ thấy trời đùng đục là biết sắp có mưa, cháu của ta, đó là nước trời, 

– ta đang nhìn những con chữ thấm lạnh, run rẩy, rồi lại ngồi hong bên ngọn lửa tâm thức,

– cạnh ta là giấc mơ từ tiền kiếp, vì sao những ngôi sao lưu lạc trên bầu trời, và loài người cứ mãi sống trong sự ngẫm ngợi hả cháu?

– thế giới này đã cũ kĩ lắm rồi, những con chim, chúng chẳng muốn hót nữa, hay hót thì chỉ chờ nơi chốn hoang sơ không làm chúng kinh sợ, 

– ta như lạc vào những giấc mộng không lành, những bất trắc, những lầm lạc đổ xuống như thể để trút giận hay như thể để lột bỏ vẻ cũ kĩ đã nghìn năm khô lại trong sự ngẫm ngợi của loài người,

nghe đâu trong tiếng ếch nhái đang ru ngủ lẫn nhau, tôi lại nghe thấy lời của ông lão đang trôi trên dòng sông Xanh huyền nhiệm,

– cháu đã nghe thấy tiếng của ông rồi

– mốt mai cháu sẽ ghé làng thăm ông và bà nhé

– cháu đang chăm sóc tiếng nói của đất đấy ông, hay gọi là đang thử nghiệm về những cách thức làm ra giọng của chữ

– cháu đã tự trồng lấy cây trái để nuôi nấng tiếng chim trời, hôm nay cháu lại chìm sâu vào hôn mê một lần nữa, những rầu rĩ ban đầu về sự chết và khi nhớ lại lúc một người đàn ông trong làng, lúc làng chỉ có vài nóc nhà ngói, hôm ấy là buổi trưa, cháu đang trông đàn bò ăn cỏ, thì đi lại gần bên chỗ huyệt đất, thấy người trong làng quấn chiếc chiếu vào thi thể người đàn ông, chôn không quan tài, nước mưa trút xuống ướt lạnh, đến giờ cháu còn nhớ, ông à, rồi từ đó cháu như người ở cõi nào ấy, cứ nhìn cảnh vật chung vật, nghe tiếng gió, đêm nào mùa nào gió bão, lại thấy cả thế gian đang quay mòng mòng trong não,

– mà lạ, não người giống như một tàng kinh các, có thể lưu giữ hàng vạn kí ức

– khi nào trời vào hạ, thì đất lại khô khốc, không thể gieo một hạt giống, chỉ khi mưa trút xuống, mới cho giống vào lòng đất, 

– cháu vẫn thường xuyên đọc sách khảo cổ của ông, cũng như những gì ông đã gõ vào nhận thức của cháu, làm cháu thấy cái chết đã sống lại hằng triệu năm trong cháu, loài người là gì nhỉ? là hôm spaiend- quả là vậy, giống có trí nhớ, có ngôn ngữ, có muôn vàn cách để truyền đạt kí ức, 

còn nhớ mãi những con đường làng đi vào sách vở, chúng làm trong não phát ra những tín hiệu cổ xưa, buồn rầu là vì lẽ ta nhớ miền thơ ấu đã vụt khỏi thời hiện tại,[ đôi tám trăng tròn trên non sông, biết ai còn về ghé lại chốn cũ đốt nén nhang cầu nguyện cho tuổi xa quê, lòng đất êm gối nhỏ, vòng tay cây cỏ sương khuya rồi, vẫn ngồi châm điếu thuốc, tháp một ngọn cô liêu, ai đã qua thời gian chốn này, cho người trai nhớ dấu ngựa hoang, bên dòng thư cũ ố bụi đường, người trai năm cũ gác bút nghiêng, nhìn về nơi trăng mai táng ngọn nguồn của nước mắt, chùi sạch từng dấu chân đã đi qua những lần suy tư, biết hải hồ còn đợi ngoài kia], và đó như là lần trải lòng với sự cộng hưởng giữa khoảng thời gian bỏng cháy âm thầm, 

 

– ở một đất nước xa xôi về không gian địa lý, đang nhồi da xáo thịt bằng súng đạn, bằng quyền lực trị vì, sao cứ nghe buốt óc, những tiếng thở dài cầm canh, làm nhớ lại sứ sở này những linh hồn chết, những núi xương còn âm ỉ vị nước giếng, ôi! trần gian có khi cũng là nơi những nấm mộ chất chồng hằng bao thế kỉ, lẽ gì vậy? hay là cuộc tàn sát lại tiếp tục làm ồn ào thực tại của thế giới, 

trăng lại hiện về nơi đầu núi, như sự huyền nhiệm kì vĩ của sự trở lại của hội nhân loại, nhưng lại đẻ ra thêm bộ tâm linh [ gồm những mảnh linh hồn ngồi lại luận bàn về cách thức làm ra tài chánh để duy trì hoạt động của bộ, việc sát nhập các chi hội các nhánh từ gốc rễ của tam độc, như thế, hội nhân loại bây giờ chỉ còn là hội của những mưu cầu về vật chất, như vậy một tân sáng thế kí khác đã hình thành, những ngọn đèn bạch lạp đỏ bóng xuống xứ linh hồn của những đồng ngoại tệ, đồng ảo, làm rối rắm nhận thức của cõi sơ huyền ]


– cháu của ta, như vậy ý định vào hội nhân loại của ta không còn nữa, bút mực nghìn năm chẳng nhẽ lại đổ xuống nơi nghĩ ngợi của loài người chẳng là hoang phí lắm sao

Và ta đang cho đó là những giả thuyết về cái đang làm náo động cả thế giới, cái mảnh đất thứ hai mà mỗi ngày con người phơi bộ mặt cùng những dòng trạng thái của mình lên đó, gọi là cõi ô trọc cũng không phải lắm, vì có nhiều thứ phơi bày ta mới đủ bình tĩnh để đưa ra giả thuyết [ như là để làm cho mảnh đất ấy được có cái hình hài cùng những hành trạng rõ rang hơn, nhưng rồi mọi lẽ, sau đó lại làm rối rắm nhận thức của con người ] nhưng thôi, có nói nữa cũng trở về với hiện trạng cũ, ta chỉ có thể trong những khả thể, là vẽ lại bầu trời nơi vết tích làng, vết tích còn lại nơi cái đương đại này, may ra sẽ thấy được điều tốt đẹp sau cùng,