Bùi Giáng – thi sĩ ưu tú của những số phận lịch sử trong thời buổi đầy niềm đau. Người đã qua, người đương thời… ai cũng mê thơ ông. Nhưng khó có ai đủ sức chia sẻ tận sâu cùng ông một niềm riêng thăm thẳm ngập ngụa hồn đau vì điên đảo tình đời…

Ông du thủ du thực và xốc xếch như gã ăn mày nhưng luôn tròn xoe mắt để nhìn mọi người và mọi vật với cái nhìn bao dung, hồn nhiên đến vô lượng…

Người đời bình thơ ông nhiều rồi. Viết về cái nghịch dị, lạ lẫm nhiều rồi. Tôi chỉ muốn đọc và cảm một cái gì đó đơn giản, nhẹ nhàng cho mình, đủ để hiểu một góc thôi… cũng là thú thưởng ngoạn đầy hạnh phúc…

Sáng dậy, tình cờ đọc qua hai câu của ông trên một status của bạn facebook, chợt lại nhận chân về Thơ: cái gì đẹp và thơm tự nhiên thì ” hữu xạ” một cách rất tự nhiên…

Thơ ca là thế! Không thể trang sức, không thể tô son trát phấn mà nói là làm đẹp Thơ, bởi mưa nắng thời gian không cho phép những lớp sơn phủ ở lâu trên bề mặt lổ chổ những khiếm khuyết,  những thứ vốn dĩ chưa phải là Thơ đẹp…

Với Bùi Giáng thơ ông giản dị, đẹp tự nhiên đến không ngờ. Cái đẹp trong thơ ấy, chỉ cần dùng phương pháp phân tích ngôn ngữ thôi đã cảm, đã  nghe lòng mình xanh mướt cả một khoảng trời… dù thơ ấy chẳng lấy gì làm vui khi phải nói lời ” hát giã” như trong ” câu hát huê tình”:

 

” Người qua tôi cũng đi qua

Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng ”

 

Lục bát vốn dĩ là thơ thuộc về cõi thuần Việt. Càng thuần, càng mộc… đọc càng đã. Mà cái gì vốn đã mộc thì trong máu trong xương nó mộc rất thực lòng.

Hai câu Thơ trên hoàn toàn không có một từ hoa mỹ, không dùng từ láy để tượng hình, gợi âm. Nếu thống kê ta thấy: 14 tiếng chỉ có 7 từ gốc, mà trong đó sự lặp ý ở việc lặp từ được dùng:

– người: dùng 2 lần

– tôi: 2 lần

– qua: 2 lần

– dừng : 2 lần

– cũng : 2 lần

Các từ nằm trong một hệ thống cấu trúc liên hoàn và logic chặt chẽ. Cái logic của tư tưởng nhân quả mà người Việt xưa nay thẩm thấu sâu như máu thịt. Thay vì nói: ” bánh ít đi/ bánh quy lại” ( câu này là dị bản từ câu tục ngữ xa xưa hơn ở miền Trung : ” bánh ú đi bánh chì quy lại” ) thì Bùi Giáng nói:

Người qua – tôi qua

Người dừng – tôi tạm dừng.

Nhưng ý này được nói bằng lục bát, sử dụng lợi thế của vần điệu, nhấn nhá tinh tế để tạo ra chấtThơ  bằng phương tiện ngữ âm mềm mượt. Từ dung chứa “ý lõi” của nội dung  được dùng ở đây lại đa nghĩa và mang tính logic đồng hướng, thể hiện phương thức tuyến tính nhân quả, tức là cách lập luận đi từ luận cứ đến kết luận là quy luật tất yếu. Cách nói ai nghe thoạt nhận thấy rất là phổ biến nhưng thật sự lại rất riêng của Bùi Giáng. ” Qua” ở đây vừa là động từ vừa mang hàm ý của ” danh từ” dù xuất hiện dưới  hình thức trạng từ. ” Người qua tôi cũng đi qua” trong câu lục, thoạt đầu cảm nhận ý thơ, so sánh với các cấu trúc đồng dạng trong ca dao, tôi đắm mình trong cái dung dị của những câu hát huê tình nam nữ, đối đáp qua lại để hẹn hò và có đưa ra điều kiện đòi hỏi sự tương tác hai bên phải bình đẳng trong cho và nhận. Nhưng ngẫm kỹ lại và kết hợp ý câu bát, tôi thấy nhà thơ đã không  chỉ nói chuyện ” trên bộc trong dâu”. Ông đã đưa chữ ” buông” của triết lý nhà Phật vào Thơ nhẹ nhàng và tinh tế, cái tinh tế rất đời, rất thực, rất hồn nhiên khi va chạm phũ phàng cái cõi lòng nhân thế phôi pha…

Tôi tạm tán rộng ý thơ bằng lối diễn Nôm: mọi sự đến và đi của lòng người hay cả những gút mắc trong đời, nếu người đã cho qua thì ta cũng nên bỏ và xem như chuyện ấy đã đi qua, đã không còn tồn tại. Người đã kết thúc, đã dừng thì dù lòng chưa thỏa, ta cũng nên dừng chứ không nên tiếp tục…

Triết lý bình dân nhưng cũng rất bác học. Trong một loạt các từ mang tính khẩu ngữ lặp đi lặp lại, Bùi Giáng điểm xuyết một hai từ làm con mắt thơ, thế là thơ ông lúng liếng và nhún nhẩy trong vòm sáng của chữ nghĩa mang phong cách tân thời ngay tức khắc. Tôi buồn cười với hai từ: ” qua loa” và ” tạm dừng”. Nó ngồ ngộ làm sao á! Một cách thể hiện tự nhiên của ngôn ngữ giới học thuật mang phong cách khẩu ngữ. Đưa ” qua loa” vào ngữ cảnh ở đây rất hồn nhiên, dung hòa và hợp tác với ngôn ngữ bình dân thật hiệu quả. Nó bộc bạch chân thành tính người thẳng thắn. Nó nhanh nhảu phơi bày  cái dứt khoát trong tâm muốn” buông bỏ” mà vẫn nuối tiếc. ” Tạm dừng” có ngữ điệu âm thanh mạnh mẽ trong động thái cắt ngang vấn đề. Nhưng tạm dừng còn có nghĩa tiền giả định là dừng tạm thời, cho qua cái đang hiện hữu và hứa hẹn sẽ còn tiếp diễn sự việc trong dạng thức mới…

Úi chà! Một cái dừng trí trá và nghịch ngợm đến đáng yêu…

Càng đọc. Đọc tới đọc lui,  tôi càng mê cái chất đời của thơ Bùi Giáng. Chỉ hai câu thôi mà đã thấy có cả một khoảng trời…

 

Bài tác giả gửi TNN